 |
LẠI GẠN HỎI CÁI TÂM
Phật bảo: A Nan! Ông muốn biết đường tu Xa ma tha để ra khỏi sống chết, ông hãy trả lời tôi.
Phật liền đưa cánh tay co năm ngón bảo A Nan rằng: Ông có thấy gì không?
Ông A Nan thưa: Tôi thấy Như Lai đưa cánh tay và co ngón tay lại thành cái nắm tay, nó phản ánh tác động vào tâm và con mắt của tôi. Tôi và đại chúng đều do con mắt mà thấy.
Phật bảo: A Nan! Ông trả lời với tôi: Rằng: Như Lai co ngón tay làm thành nắm tay, phản ánh tác động vào tâm và con mắt của ông. Con mắt của ông thì thấy việc đó tất nhiên. Còn ông lấy cái gì làm tâm để nhận biết cái nắm tay tôi?
- Bạch Thế Tôn: Như Lai gạn hỏi tâm tôi, tôi dùng tâm suy nghĩ để trả lời Phật, thì rõ là cái suy nghĩ ấy là tâm tôi vậy.
TÂM THÌ PHẢI CÓ THỂ TÁNH, KHÔNG THỂ TÁNH KHÔNG PHẢI LÀ TÂM
Phật bảo: Sai rồi! A Nan! Cái suy nghĩ ấy không phải là tâm của ông.
Trong dáng vẻ kinh ngạc, ông A Nan đứng dậy chấp tay thưa:
- Bạch Thế Tôn! Cái suy nghĩ ấy không phải tâm tôi thì gọi nó là cái gì?
Phật bảo: Đó là cái tưởng tượng tướng hư vọng của tiền trần. Chính cái đó làm mê lầm chân tánh của ông. Từ vô thỉ đến nay, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tâm tánh bản lai thường trú, nên phải chịu luân hồi.
Ông A Nan thưa: Tôi là em của Phật, vì tâm yêu thương Phật nên mới xuất gia. Tôi cúng dường chư Phật mười phương, phụng sự thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh, làm tất cả pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm ấy. Giả sử có hủy báng Phật pháp, đoạn diệt thiện căn, bất tin tam bảo cũng đều dùng đến cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái suy nghĩ đó không phải là tâm, thì tôi thành ra không có tâm, như gỗ, như đất. Bởi vì, ngoài cái suy nghĩ nhận biết ấy ra, tôi không còn có gì nữa! Sao Như Lai lại bảo cái đó không phải là tâm? Tôi kinh sợ quá! Và cả đại chúng nầy không ai là không hoang mang dao động! Xin Phật rủ lòng từ chỉ dạy cho chúng tôi những điều chưa liễu ngộ?
Bấy giờ Thế Tôn rời sư tử tòa, xoa đầu ông A Nan và bảo:
- Nầy A Nan! Như Lai thường nói: Các pháp sanh ra duy tâm biến hiện. Tâm là cái thể của tất cả thế giới vi trần, của mọi nguyên nhân và kết quả…
A Nan! Tất cả hiện tượng có trong thế giới, lớn như biển cả, núi cao, nhỏ như lá cây ngọn cỏ… gạn xét căn nguyên đều có thể tánh. Cả đến hư không cũng còn có tên và dáng mạo; huống chi cái tâm sáng suốt nhiệm mầu thanh tịnh, thể tánh của sự vật mà tự mình không có thể tánh sao?
Nếu ông quả quyết cho cái tính hay biết, cái suy nghĩ phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy rời sắc, thanh, hương, vị, xúc ra, nó phải còn tính độc lập riêng của nó tồn tại. Hiện giờ ông đang nghe tôi nói pháp, đó là nhân tiếng mà có phân biệt. Nếu không tiếng thì sự phân biệt của ông không còn. Giả sử diệt hết cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết, chỉ nắm giữ cái u nhàn lặng lẽ bên trong, thì đó cũng là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.
A Nan! Chẳng phải tôi bảo ông phủ nhận cái tính tư duy phân biệt ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chín chắn suy nghĩ: Rời tiền trần mà vẫn có cái biết, thì đó mới thật là tâm của ông. Còn nếu tính biết rời tiền trần không còn tự thể, thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường còn, khi thay đổi diệt mất đi rồi, thì cái tâm nương tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ. Thế thì pháp thân của ông cũng thành đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn!
(trích kinh Thủ Lăng NGhiêm)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét